Việt Nam sản xuất thành công máy trợ thở giúp điều trị Covid-19
02-07-2021 - 16:25|Khoa học
(NLĐO)- Máy oxy dòng cao với tên gọi là BKVM-HF1 được thiết kế và sản xuất hoàn toàn trong nước đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, giá thành sản xuất tiết kiệm tới 50% so với các máy trợ thở ngoại nhập.
Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (HUST) và Tập đoàn VMED vừa hợp tác triển khai dự án nghiên cứu sản xuất máy oxy dòng cao dùng cho các bệnh nhân bị suy hô hấp. Ngày 2-7, nhóm nghiên cứu đã công bố chế tạo và sản xuất thành công thiết bị này.
Máy oxy dòng cao (HFNC-High Flow Nasal Cannula) được nghiên cứu sản xuất từ nhu cầu cao trong điều trị Covid-19 tại các cơ sở y tế và sự quan tâm tăng cường các trang thiết bị y tế từ các bộ, ngành.
So với các sản phẩm ngoại nhập, máy BKVM-HF1 có giá thành sản xuất tiết kiệm tới 50% - Ảnh: Kim Chi
Máy có chức năng cung cấp liên tục khí thở lưu lượng cao (lên tới 60 l/phút) với nồng độ oxy điều chỉnh được (từ oxy không khí đến nguyên chất). Dòng khí thở được ổn định ở 37 độ C với độ ẩm bão hòa và cấp qua gọng mũi để giúp điều trị bệnh nhân suy hô hấp.
Máy được đo lường tại phòng thử nghiệm của VMED Group, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở bởi HUST, giám định kỹ thuật từ Vinacontrol, thử nghiệm tại Trung tâm cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai, và được Bộ Y tế quyết định lưu hành vào giữa tháng 6-2021.
"Theo các báo cáo nghiên cứu lâm sàng, nếu được sử dụng máy oxy dòng cao này, 60-70 % bệnh nhân bị mắc Covid-19 sẽ được hồi phục, không bị nặng thêm và không phải sử dụng máy thở. Máy oxy dòng cao là thiết bị cần thiết để hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân viêm phổi, suy hô hấp giai đoạn đầu do Covid-19" - PGS Nguyễn Văn Chi, Phụ trách Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, đánh giá.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long hoan nghênh và đánh giá cao kết quả nghiên cứu này. Ông và các đơn vị chuyên môn Bộ Y tế đã hỗ trợ nhanh thủ tục pháp lý để có thể sản xuất hàng loạt máy oxy dòng cao BKVM-HF1.
Máy oxy dòng cao BKVM-HF1 được thử nghiệm tại phòng thử nghiệm của VMED Group - Ảnh: Kim Chi
Ông Ngô Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc VMED Group, chia sẻ tự hào được đồng hành cùng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội làm ra một sản phẩm có giá trị ứng dụng cao để kịp thời chuyển đến các điểm nóng về điều trị Covid-19, cũng như nhanh chóng trang bị cho các bệnh viện phục vụ công tác điều trị bệnh nhân Covid-19.
Lãnh đạo Trường Đại học Bách khoa khẳng định sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả từ các nhà khoa học với tích hợp công nghệ đã góp phần hỗ trợ xã hội và các đơn vị chuyên ngành để phòng chống đại dịch Covid-19 trong giai đoạn có nhiều diễn biến phức tạp".
Hiện tại, 30 máy BKVM-HF1 đầu tiên để chuyển tới các tâm dịch của Việt Nam đã được một tổng công ty thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tài trợ toàn bộ chi phí sản xuất trị giá 1,5 tỉ đồng.
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và VMED Group cũng đã xây dựng phương án triển khai sản xuất với số lượng lớn hơn để phục vụ công tác chống dịch.
Hiện tại nhóm nghiên cứu của 2 bên đang tiếp tục hoàn thiện máy làm giàu oxy từ không khí để tích hợp thêm vào hệ thống và nâng cấp tính năng cao cho các máy BKVM được sản xuất tiếp theo.
Trước đó, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã có nhiều nghiên cứu ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 như kit thử nhanh virus, cáng cách ly áp lực âm, buồng áp lực dương, mũ thở khí tươi, buồng khử khuẩn toàn thân di động, máy thở...